Wednesday, October 18, 2017

Giọng Quảng


Giọng Quảng

Đà Nẵng bao la tình người. Ảnh minh họa: Internet


Thông thường, theo như tôi nghĩ, thì giọng của một người dân xứ nào, miền nào cũng có dăm ba dialect, đôi thổ ngữ. Và cái thổ ngữ này, vẫn hay gây ra không ít cản trở, phiền phức giữa người địa phương và người từ xứ khác đến; hoặc cũng có khi là rắc rối cho chính mình khi đi xa khỏi xứ.
Riêng phần tôi, thật chẳng biết duyên phận kiểu gì, mà sinh ra ở Quảng Nam, sống ở Úc, rồi chuyển sang Đức, nơi cả ba ngôn ngữ Việt, Anh và Đức, đều đầy những âm sắc “lạ”, dị thường, làm khổ tai thiên hạ cũng lắm. Nhiều người bảo, nghe được tiếng Anh của người Úc cách thông thạo là có thể nghe được hết tất cả các loại tiếng Anh khác trên thế giới.
Tương tự, giọng Bavarian nơi tôi đang sinh sống tại Đức, cũng không hơn gì. Thỉnh thoảng trên đài truyền hình địa phương, nhất là những màn phỏng vấn, là y như rằng, rõ ràng người ta vẫn nói tiếng Đức đấy, vậy mà ở phía dưới vẫn phải có thêm hàng phụ đề, thể như đó là một chương trình của người ngoại quốc được chiếu cho dân Đức xem vậy.
Bavarian language, Bayrische Sprache, thiên hạ hay diễu như thế khi nhắc đến cái giọng không chỉ làm đọa làm đầy cho những người nói tiếng Đức không hay như tôi mà còn chung chung cho cả người dân nước Đức không sống tại vùng này, rồi người Áo, người Thụy Sĩ nói tiếng Đức nữa! Nhưng nói tới nói lui, nói quanh nói co, nói lòng vòng như vậy từ nãy giờ, trước khi đi vào đề tài chính, đề cập thẳng đến giọng nói của người xứ tôi, thì bởi tại thì là mà, tôi sợ tôi không tránh được những điều khi viết ra, sẽ đụng chạm, mích lòng bà con đồng hương của tôi. Xấu che tốt khoe mà, trong khi tôi lại sắp sửa bắt đầu liệt kê ra toàn những bất bình thường. Và cũng thiên hạ, thường hay bảo, chửi cha không bằng pha tiếng; tôi dầu không pha tiếng, nhái tiếng vì tôi Quảng Nam chính hiệu con nai vàng ngơ ngác; nhưng khi nói đến hàng loạt cái thuộc loại “tối kỵ”, “bí mật” kiểu này, e cũng dễ rắc rối lắm.
Tôi nhớ có lần, đọc trên tạp chí Văn Học, một truyện ngắn của một văn sĩ không phải gốc Quảng Nam, nhưng lại cho nhân vật mình nói giọng Quảng, tôi đã hết sức là bực mình. Vì với kiểu viết về giọng Quảng như vậy, cho nhân vật nói giọng Quảng kỳ quặc như vậy, tôi phải xin thưa đó là pha tiếng, nhái tiếng. Và thú thật là dầu mới chỉ đọc bằng mắt thôi, chưa nghe người ta chuyển đoạn đối thoại ấy lên thành thanh âm, mà tôi đã nhức tai, nhức đầu. Rồi sau đó cái cảm giác bị “chửi cha”, lại còn lẩn quẩn ở trong lòng tôi nhiều năm, đến nỗi có bận nếu không dằn được, tôi đã viết thư trách cứ nhà văn này đấy.
Người Bắc không phải dân Hà Nội, thường hay nói ngọng chữ “l” và “n”. Điều này thì dường như ai cũng biết, và dường như ai cũng ngạc nhiên vì không hiểu nổi tại sao những người nói ngọng hai âm tự này đều có thể phát âm được cả “l” lẫn “n” một cách rõ ràng, mà khi nói năng trò chuyện hằng ngày, cứ đụng đến hai âm này, thì bỗng dưng lại bị lẫn lộn một cách hết sức kỳ quặc như vậy. Người Bắc gọi đó là những người nói ngọng. Như một hình thức bị khuyết tật. Nhưng còn người dân quê tôi, thì tôi có thể chắc chắn rằng, chúng tôi chẳng hề có cái sự cố nhầm lẫn nào cả. Bởi một cách hết sức “rạch ròi”, hết sức tự tin, chúng tôi đã và đang và còn dài dài, biến tất cả âm “ao” thành âm “ô”, ví dụ, cái bao sẽ thành cái bô, cái áo thành cái ố, cái ao thành cái ô.
Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, là tôi không nhớ khi còn nhỏ, khi còn ngồi ghế tiểu học, thì bọn tôi đã được đọc chính tả như thế nào, mà lớn lên, mặc dầu sẽ được nghe phát âm hai chữ áo và ố hoàn toàn giống hệt nhau, đều là “ố” cả, nhưng trên giấy trắng mực đen khi viết ra, chắc chắn chúng tôi sẽ phân biệt được một cách hết sức chính xác, minh bạch và dễ dàng, khi nào là “cái áo” và khi nào là “hoen ố”. Như vậy, ở đây, tôi có thể tự khen, rằng khả năng đoán, hiểu, và phân tích của người quê tôi vượt trội hơn các vùng khác hay chăng?
Một âm phổ biến thứ hai, luôn luôn bị đọc trật trong giọng nói của người xứ tôi, là “ă” sẽ biến thành “e”. Chẳng hạn, en cơm thay vì ăn cơm, bén súng thay vì bắn súng. Nhưng lại cũng, giữa “người quen” và “tóc quăn”, thì khi đọc lên, dẫu đều là “quen”, mà “e” hay “ă” trong hai từ ngữ này, đều không thành vấn đề đối với chúng tôi. Như vậy có đúng là diệu kỳ chưa? Thỉnh thoảng dân Quảng bọn tôi khi ngồi lại, cũng có mang ra vài ba chuyện diễu chung quanh ô hay ao, e hay ă để cười với nhau. Ví dụ như chuyện có người không biết gọi là xích lô hay xích lao, thành phố lên đèn hay thành phố lên đằng, cà phê đen hay cà phê đăng... Nhưng nói chỉ để cười thôi.
Mà thật ra, đôi lúc cũng có những accident (tai nạn) xảy ra, như thường vẫn xảy ra với người nhà quê ít học. Chẳng hạn bên họ của mợ tôi, có người đặt tên cho con, đứa thứ nhất là Cơ, đứa thứ hai là Đồ. Đất nước cơ đồ. Như vậy là ổn thỏa quá rồi còn gì. Nhưng đến đứa thứ ba mới trúc trắc, vì thằng nhỏ lại tên Mận; mà phải Đào mới Mận được chứ! Cho nên do đó mãi đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa biết đuợc rằng người em của mợ tôi đã định đặt tên cho con là gì, vì hỏi ông, ông cứ bảo “hén tên Đồ”!
Thời còn ở Đà Nẵng, mặc dầu giọng nói tôi không nặng âm Quảng lắm, nhưng vì ai cũng như ai, tôi không để ý, cho đến khi gia đình tôi dọn vào Nam, mới thấy cực lòng. Và dẫu muốn hay không, chúng tôi cũng phải đổi giọng đi chút chút, để dễ hoà nhập. Tôi nhớ thằng em họ của tôi lúc mới ở ngoài trung dọn vào nam, chạy đi mua hàng giúp mẹ, nhưng khi về, lại về tay không. Hỏi sao, thằng nhỏ than “em núa em muốn mua tủa mà họ không hiểu”. Nhịn không được, tôi phải phì cười, dạy thằng nhỏ nói lại, “mua tỏi”.
Âm “oi”, “oai”, người xứ tôi, ở quê, đọc thành âm “ua” như trên. Con voi, được gọi cách tôn trọng, đã ngang nhiên biến thành “ông vua”! Nhưng ai nhầm thì nhầm, ai lẫn thì lẫn nhé, chứ dân tôi khi nghe kể chuyện một ông vua có vùa, thì biết chắc chắn người ta không nhắc đến một ông vua có ngai vàng nào đó, mà đang nói đến một con voi có vòi.
Những âm khác, như cái tai, thành cứa tưa (nói nhẹ đi một chút); hay cái tay thành cứa ta, “v” thành “d”, (chẳng hạn ông vua ở trên sẽ là ông dua), trời tối thành trời túi, cái môi thành cái mui, vân vân, là thuộc thể loại “dễ nghe”, dễ chấp nhận. Cả chết thành chếch, khi nói lên, người khác cũng có thể đoán hiểu được.
Tôi xa xứ lâu năm, năm 2000 về lại Đà Nẵng, nghe giọng Quảng thấy thương hết sức, nhưng cũng buồn cười khi nghĩ đến chuyện thiên hạ ở xứ khác dễ hiểu lầm hoặc không hiểu gì cả khi nghe chúng tôi trò chuyện. Thử mường tượng một anh Quảng Nam nói đặc giọng miền quê, tán tỉnh cô nào đó ở miền nam, khi nhìn đôi môi đỏ mọng của nàng, mà phát biểu một câu rằng “cặp mui em đẹp lọa thường”, thì có phải là... thôi rồi hay không!
Chuyện vui, tôi nhớ đến má lớn tôi. Má lớn tôi người Nghệ Tĩnh, ở Quảng Nam lâu, không biết sao bà chẳng còn chút Nghệ Tĩnh nào trong giọng nói, mà rất Quảng. Như người Quảng chính hiệu. Từ cách dùng chữ, cho đến lối phát âm. Tuy nhiên đối với những từ có âm “inh”, âm “ich”, thì dầu má tôi cố gắng bao nhiêu đi nữa mà vẫn chịu thua. Bà vẫn nói là “in”, là “ít”. Có lần má tôi than thở bị ăn cắp đồ đạc gì đó để ngoài vườn. Bà giận lắm vì dường như đó là lần thứ x, bà bị ăn cắp như vậy, cho nên bà đã nhất quyết đi tìm cho ra thủ phạm. Nhưng cuối cùng vẫn tìm không ra, bà bèn la toáng lên cho cả xóm cùng nghe, “thèng Bốn lỗ Đít chớ không ai!”. Đó là ý má tôi muốn nói, chính là anh chàng tên Bốn, con của lão Đích ở gần nhà, chuyên hành nghề đạo chích!
2. Ngữ điệu Quảng
Người Quảng hầu hết là hiền, tôi nói thật, không nịnh, hay tự khen đâu. Hiền, chân chất, từ đàn ông đến đàn bà. Ai có vợ hay chồng Quảng Nam, thử kiểm tra lại xem tôi nói có đúng không!
Nhưng hiền thì có hiền thật, như... tôi nói vậy đó, mà tôi không hiểu sao khi người Quảng Nam mắng con, lại dùng từ hết sức nặng nề. Không tục tĩu, không chua chát, đanh đá, nhưng nặng. Lại dữ nữa. Ở đây tôi không muốn đề cập đến tông điệu, âm giọng, mà chỉ nói đến chữ dùng, cách dùng từ, của đa số người dân quê tôi khi lúc lên cơn thịnh nộ mà thôi.
Khoảng chừng hai năm trước đây, chúng tôi, một đám Quảng Nam, văn nghệ sĩ có, trí thức có, tình cờ gặp gỡ nhau ở Munich. Đồng hương, có dịp ngồi lại với nhau, rôm rả đủ chuyện. Từ chuyện ăn uống, phong cảnh, văn hóa, đến con người. Vân vân... Từ kiểu chùm khế ngọt, đến xa quê hương nhớ mẹ hiền, và chuyện nào nghe cũng hay. Nhưng thình lình trong bọn, có người, chả hiểu vì lý do gì bỗng... nổi khùng lên, nhắc lại chuyện ngày xưa còn bé hay bị mẹ la. Khởi đầu là mấy chữ, “tổ cha mi”, rất tiêu biểu, khiến một người ngồi cạnh bên, cũng lây hứng góp chuyện vào. Thế là thay vì chỉ một ông, một người, nhắc đến “sự xưa tích cũ”; mà cái đề tài không “gợi cảm” chút nào ấy bỗng chốc biến ra thành của cả bọn.
Chúng tôi xôn xao lên. Như thể buổi họp tổ, bình bầu cá nhân tiên tiến xuất sắc để lãnh bột ngọt đường muối. Và sau cùng thì một kẻ nào đó, có lẽ lúc nhỏ vẫn thường xuyên bị nghe kinh nhật tụng kiểu như vậy, đưa ra ý kiến là chúng tôi nên thử tổng hợp một số câu la mắng của cha mẹ ngày xưa, xem thử có... áp dụng được câu nào với bọn trẻ trong thời đại mới ở xứ người được hay chăng!
Và sau đây là bảng tổng hợp tạm thời của chúng tôi:
1. “Coi chừng tau cú cho một cái lủng sọ!”. Đây là lời cảnh báo với giọng không trầm không bỗng, không gay gắt, không dữ dằn cho lắm, khi lũ nhỏ mới vừa làm một chuyện gì đó tầm bậy, nho nhỏ thôi, không đến nỗi có thể ăn đòn, hay quì gối. Nhưng thiệt tình, chuyện nhỏ, mà một cái cú, ký đầu mà đến lủng cả sọ, kể cũng tội nghiệp cho “nạn nhân”. Chúng tôi, sau khi bàn tán, đã đồng ý với nhau rằng, với một trình độ nội công thâm hậu kiểu ấy, thì các bậc phụ huynh của chúng tôi lẽ ra đã phải được tiên sinh Kim Dung cho ghi danh đi tranh tài ngũ lâm võ bá mới phải!
2. Chuyện nhỏ bỏ qua, chuyển sang chuyện lớn, khi lũ nhỏ cà chớn hơn, đáng bị quát nạt hơn, thì màn khủng bố hăm dọa tinh thần, “tau dộng cho một cái lòi tròng!” sẽ được thực hiện ngay bằng lời nói. Dộng, tiếng quê tôi, có nghĩa là đấm. Đấm, dộng mà kiểu ấy, chắc có lẽ là loại dộng đã được đương kim thống đốc tiểu bang California xử dụng trong loạt phim terminator hồi trước đây!
3. Qua chuyện lớn hơn, lạnh lùng hơn, thì mức độ chạy đua vũ trang của các bậc cha mẹ xứ tôi cũng tỉ lệ thuận, tăng dần hơn lên. “Tau tát cho một cái gãy răng”. Và đây là lời bàn của tôi: tát cỡ đó, Mike Tyson hồi mới ra đấu trường, hay hồi mới trở lại đánh đấm, mà được các bậc cha mẹ xứ tôi dạy cho bài quyền, lối tấn công trên, có lẽ chàng đã chẳng cần phải dùng đến chiêu thức... cắn lỗ tai mới thắng.
Mức độ “phạm tội” nhân lên, lời hăm dọa sẽ càng được nhân lên cao hơn nữa. Chẳng hạn:
4. Tau quánh cho một cái sặc máu!
5. Tau đá cho một cái què giò.
6. Tau đạp cho một đạp dập mặt.
Vân vân. Và vân vân. Thoáng nghe qua cũng đã thấy kinh hoàng như đang ở trong phòng tra tấn! Nhưng kinh hoàng hơn, để ý tí chút thôi trong các câu vừa được chúng tôi tổng kết, là các bậc phụ huynh ở xứ tôi không cần... nhị thiên đường, tam tông miếu gì hết nhé, mà chỉ cần chơi một phát nhất dương chỉ, chỉ cần “một cái” thôi, là đời lũ nhỏ kể như đã tới ngày mạt tận!
Tuy nhiên như tôi đã nói, dân Quảng chúng tôi hiền, cho nên dầu la mắng con kiểu rùng rợn, violent (bạo lực) quá xá cỡ thợ mộc như vậy, nhưng chắc có lẽ chưa có ai xử dụng những loại trừng trị như thế đối với bọn nhóc, nên do đó mà ở quê tôi, chẳng có ai đi tù, chưa bị kết án về tội đấm đá dộng con cái sặc máu, lòi họng, gãy răng!
Thấy tếu, và lâu lâu cũng thèm nghe lại tiếng mẹ hăm dọa “tau quánh chết cha mi”, tôi ghi ra cho... đỡ thèm.

suu tam internet

No comments:

Post a Comment